TIMES SQUARE Dự án tâm điểm Sài Gòn
Hai tòa tháp đôi với độ cao gần 165 mét, tọa lạc tại vị trí “trái tim”
của TP.HCM với vốn đầu tư hơn 125 triệu USD vừa hoàn thành các thí
nghiệm nghiêm ngặt để kiểm tra chất lượng phần thi công nền móng và đang
bước vào giai đoạn thi công “bứt phá” để vươn lên. Trong một tương lai
không xa, khu vực trung tâm của “đầu tàu kinh tế của cả nước” này sẽ có
thêm một điểm nhấn mới cực kỳ độc đáo về cảnh quan kiến trúc. Đó là
Times Aquare — một công trình mang dấu ấn thời đại!
Điểm hẹn “Quảng trường thời đại”
Dù khách thập phương hay người bản xứ, chắc chắn ai cũng đều phải thừa
nhận rằng Đồng Khởi và Nguyễn Huệ là hai con đường “có giá” thuộc hàng
số 1 của TP.HCM ngày nay và Sài Gòn — “Hòn ngọc Viễn đông” những năm
trước 1975. Đặc biệt là những năm gần đây, sau những thành công của
chính sách mở cửa, TP.HCM với tư cách “đầu tàu” kinh tế của cả nước đã
vượt lên với tốc độ rất nhanh thì hai con đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ
càng biểu thị mạnh mẽ hơn sự phồn thịnh đó.
Đường Nguyễn Huệ rộng và thoáng mát, tập trung nhiều cao ốc với hoạt
động thương mại, du lịch, nhà hàng, khách sạn sầm uất do ở vị trí trung
tâm thành phố. Đó cũng chính là lý do vì sao hàng năm, chính quyền thành
phố đều chọn đường Nguyễn Huệ làm “đường hoa xuân” cho dân chúng thưởng
ngoạn. Song song với Nguyễn Huệ, cùng hướng ra Sông Sài Gòn là đường
Đồng Khởi vốn sầm uất và sang trọng nổi tiếng lâu nay. Dường như cũng
không cần phải thêm nhiều lời, Đồng Khởi chính là nơi mà những thương
hiệu lớn trong và ngoài nước, từ những sản phẩm hàng hóa mỹ nghệ cao cấp
đến những sản phẩm thời trang nghệ thuật hiện đại và cả các sản phẩm
dịch vụ đều ao ước một vị trí kinh doanh mặt tiền.
Bởi vậy không có gì “hồi hộp” và “đáng chờ đợi” hơn khi mà một dự án tầm
cỡ quốc tế như Times Square đang được gấp rút triển khai. Đây là một dự
án cấp đặc biệt, thuộc nhóm A, với hơn 125 triệu USD vốn đầu tư trực
tiếp của nước ngoài, do Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square VN thực
hiện. Điều đặc biệt đáng lưu ý vì đây là một nhà đầu tư danh tiếng đến
từ Hồng Koong và Times Square lại là một dự án bất động sản tọa lạc ngay
chính tại hai trục đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ, với hai mặt tiền đều
án ngữ các vị thế “đắc địa”.
Trao đối với chúng tôi, ông Alfred Chu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần
Đầu tư Quảng Trường Thời Đại (VN) cho biết: “Với quy mô vốn đầu tư hơn
125 triệu USD, chúng tôi đang xây dựng một khu liên hợp cao 43 tầng gần
90 ngàn mét vuông xây dựng. Trong đó hai tầng dành cho khu mua sắm hàng
hiệu; 120 căn hộ sang trọng đạt tiêu chuẩn quốc tế để bán hoặc cho thuê
và 1 khách sạn 5 sao có 231 phòng; nhiều loại nhà hàng và một phòng
khánh tiệc có sức chứa 650 người dùng để tổ chức các hội nghị hoặc những
đám cưới hoành tráng. Và chúng tôi tự hào nói rằng dự án này nằm ở vị
trí trái tim của TP.HCM, tâm điểm của Hòn ngọc Viễn đông”.
Độc đáo tháp đôi
Times Square “mọc” lên tại địa chỉ 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi,
phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Công trình sẽ vươn cao đến 163,8 mét
và sẽ có cả sân đậu trực thăng trên nóc. Đây là tác phẩm của Chan Soo
Khian, một kiến trúc sư có tay nghề người Singapore, tốt nghiệp Đại học
Washington (Mỹ). Ông là người sáng lập và là giám đốc thiết kế của SCDA
Architects, SCDA đã từng được giải thưởng toàn cầu do Viện Hoàng gia của
Kiến trúc sư Anh tặng; giải thưởng vàng của cuộc tranh tài quốc tế năm
2005; giải thưởng kiến trúc quốc tế 2006 của Câu lạc bộ Khoa học
Chicago…
Với Times Square, SCDA đã đóng góp những ý tưởng được đánh giá là rất
mới mẻ. Tổng thể công trình là hai khối tháp 36 tầng, cách nhau 21,25
mét và có chung một khối bệ 6 tầng. Tháp phía đường Nguyễn Huệ là khách
sạn 5 sao,. Khu căn hộ cao cấp nằm trong tháp phía đường Đồng Khởi sang
Nguyễn Huệ, được lát đá cẩm thạch với các mảng cây xanh “tạo điểm nhấn”
và cảnh quan cho khu vực bán lẻ. Hướng đường Nguyễn Huệ còn có lối cho ô
tô vào sâu bên trong, tiếp cận với sảnh khách sạn và vào ramp dốc xuống
tầng hầm. Hai bên lối vào sảnh khách sạn còn có hồ phun nước và hàng
cây xanh chạy thông suốt từ Nguyễn Huệ sang Đồng Khởi, góp phần tăng
thêm sự quý phái, thanh lịch và sang trọng của một khách sạn cao cấp.
Ngoài ra, khoảng lùi hướng Đông Nam thông suốt từ Nguyễn Huệ sang Đồng
Khởi còn được điểm thêm một hàng cây xanh vùng nhiệt đới, hình thành một
công viên thu nhỏ bên cạnh công trình nguy nga, góp phần làm dịu đi
“không khí cao ốc” của một khu vực trung tâm sầm uất.
Vào sâu bên trong công trình, các tầng hầm 1, 2, 3 là chỗ đậu xe và khu
kỹ thuật của tòa nhà. Theo thiết kế, khu vực bãi xe có sức chứa 150 xe ô
tô cùng 400 xe gắn máy. Tầng trệt của tòa nhà là các sảnh vào khách
sạn, khu căn hộ và khu mua sắm hàng hiệu (được bố trí phía mặt tiền
đường Đồng Khởi và nguyên tầng lửng). Tầng 2 là khu vực nhà hàng. Phòng
đại tiệc và bếp nấu chính ở tầng 3. Khu hồ bơi, Spa, vật lý trị liệu,
tập thể hình… ở sân thượng khối bệ.
Ngoài các hệ thống cơ điện đạt tiêu chuẩn quốc tế của một công trình
phức hợp khách sạn và căn hộ dịch vụ cao cấp, Times Square còn được
thiết kế như một tòa nhà hoạt động tự động nhờ hệ thống “báo cháy tự
động loại địa chỉ” và hệ thống BMS (hệ thống quản lý tòa nhà), do nhà tư
vấn cơ điện nhiều kinh nghiệm UPC (United Project Consultants —
Singapore) đảm nhận; Công ty SPCC (Sino Pacific Construction
Consultancy) là Tư vấn Thiết kế về Kết cấu; Công ty CDC (Công ty Cổ phần
Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam) là nhà tư vấn triển khai
thiết kế chi tiết công trinh.
Hiện nay, theo thông tin mới nhất chúng tôi nắm được thì công trình đã
hoàn thành xong giai đoạn thi công phần nền móng. Đại diện phía chủ đầu
tư nói rằng tiến độ hoàn thành theo như dự kiến là vào tháng 12/2009.
“Trong thời gian qua chúng tôi giảm tiến độ thi công để triển khai hàng
loạt các thí nghiệm tại hiện trường và ở phòng thí nghiệm. Ngoài ra còn
điều chỉnh thiết kế, xây thêm hai tầng hầm để xe, nâng lên tổng cộng ba
tầng hầm công trình nhằm thỏa mãn nhu cầu bãi xe ngầm theo chủ trương
của chính quyền thành phố” — một cán bộ phụ trách công trường của Công
ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Namcho biết.
Tất cả cho một công trình bền vững
Tại công trường, thời gian dành cho các thí nghiệm đã phải kéo dài đến
tháng 4 vừa qua nhưng chủ đầu tư xác định đó là một công đoạn “cực kỳ
quan trọng và cần thiết”, nhằm tạo bước tiến để quyết định cho một công
trình bền vững.
“Thí nghiệm siêu âm” (để phát hiện ra những khuyết tật trên suốt chiều
dài của cọc) đã được tiến hành. Về thí nghiệm này, đại diện chủ đầu tư
nêu ý kiến: “Chúng tôi đã lựa chọn nhà thí nghiệm là Viện Khoa học Công
nghệ Xây dựng Miền Nam với đội ngũ chuyên gia được đào tạo chính quy và
thiết bị thí nghiệm của hãng PDI, một trong những hãng kiểm tra chất
lượng cọc bằng biện pháp không làm biến dạng cọc (NDT —
Non-destructvetesting) nổi tiếng của Mỹ”.
Ngoài thí nghiệm siêu âm, chủ đầu tư cũng đã cho tiến hành thí nghiệm
tải trọng động (PDA). Thí nghiệm này nhằm đánh giá sức chịu tải của cọc
bằng phần mềm phân tích chuyên dụng CAPWAP, chọ độ chính xác cao và từng
được các công trình nước ngoài sử dụng rộng rãi.
Một vấn đề khác, được coi là “quan trọng hàng đầu” là nghiên cứu về điều
kiện thực tế khí động học khi tác dụng lên tòa tháp đôi của công trình.
Do điều kiện gió thực tế và Việt nam cũng chưa có một tòa nhà nào vườn
đến độ cao 170 mét, nên các nhà thiết kế kết cấu thấy rằng cần phải
nghiên cứu thêm điều kiện tác động thực tế của lực gió trên bề mặt kiến
trúc của hai tòa tháp đôi này. Và thí nghiệm này (WIND TUNNEL) đã được
tiến hành tại phòng thí nghiệm hiện đại của Đại học Shantau (Trung
Quốc). Một mô hình công trình như thật với các con chíp điện tử được gắn
trên suốt chiều cao và tại các vị trí tính toán. Gió nhân tạo được thổi
qua từ nhiều hướng, với các cường độ khác nhau. Sau đó, số liệu đo được
từ các con chíp điện tử qua xử lý của chương trình máy tính chuyên dụng
sẽ cho ra kết quả làm cơ sở tính toán giải pháp kiến trúc cũng như kết
cấu. Và một số hiệu chỉnh về kiến trúc và kết cấu của công trình cũng đã
được tiến hành cho phù hợp với kết quả thí nghiệm này.
Toàn bộ hồ sơ thiết kế đã được Công ty Tư vấn Xây dựng Tổng hợp (NAGECCO) — trực thuộc Bộ Xây dựng — thẩm định.
Có thể thấy ngay đó hoàn toàn là những nỗ lực rất lớn của nhà đầu tư
ngay từ giai đoạn “đặt nền móng”, với những đặc thù rất riêng của một dự
án mang dấu ấn thời đại như Times Square. Tiếp xúc với chúng tôi, quan
điểm ấy cũng một lần nữa được nhấn mạnh, khi Tổng giám đốc Alfred Chu
nói rằng: “Là một công ty đầu tư, chúng tôi phải tranh thủ thời gian
hoàn vốn, nhưng tạo ra một công trình chất lượng quốc tế, bền vững mới
là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
CSCEC, một trong những nhà thầu lớn và danh tiếng của Trung Quốc, có
nhiều năm kinh nghiệm trong việc thi công nhà cao tầng, được chọn là nhà
thầu chính thi công công trình khu liên hợp Times Square. CSCEC cũng là
nhà thầu đang thi công xây dựng một tòa nhà 101 tầng tại Thượng Hải.
Đây là tòa nhà cao nhất Trung Quốc và được xem là một trong bốn tòa nhà
cao nhất thế giới…
Tại công trình khu liên hợp Times Square, những ngày này lực lượng cán
bộ kỹ thuật và nhân viên của CSCEC cũng đang khẩn trương lập văn phòng
tạm, dựng cầu rửa xe, lập hệ thống điện, nước (phục vụ cho thi công)…
chuẩn bị cho một giai đoạn thi công mới.
Với công nghệ thi công tiên tiến, đội ngũ chuyên gia nước ngoài giàu
kinh nghiệm, công trình chắc chắn sẽ được đẩy nhanh tiến độ và hoàn
thành đúng như dự kiến. Và trong một tương lai không xa, khu vực trung
tâm của thành phố phát triển năng động này sẽ có thêm một “điểm nhấn
mới” cực kỳ độc đáo về cảnh quan kiến trúc.